Ăn rong

Thật không khó thấy cảnh “Bà làm trò , Mẹ thì hát hò” trong các gia đình có con nhỏ, để dụ các bé từng muỗng cơm. P không phải kinh nghiệm gì đầy mình vì chỉ nuôi dạy có 2 đứa con thôi. Nhưng P chứng kiến khá nhiều cảnh tượng này mà thấy bức xúc, mà vừa thương cho các người mẹ người bà, vừa tội cho các bé. Qua đó P rút ra nhiều bài học bổ ích trong việc dạy bé tập ăn để chia sẻ với mọi người. (Đây chỉ là kinh nghiệm riêng)

P dùng từ “Ăn rong” là hiện tượng các bé

  • Không được tập ngồi vào bàn ăn ngay ngắn khi dùng bữa, hết lêo lên đùi Ba , đùi mẹ để được nhõng nhẽo đút bón.
  • Các bé được di chuyển khắp nhà , mọi ngõ ngách để được vừa chơi vừa được đút. Bà và Mẹ thì dí theo mệt xỉu năn nỉ từng muỗng, hát hò, hoặc hù doạ không ăn ông kẹ bắt, công an bắt… 🙂 ôi lắm chiêu.
  • Các bé tuy ngồi ngay ngắn hả miệng rất ngoan nhưng vừa ăn vừa được xem ipad , iPhone. Nhạc trên iPad iPhone mà vừa tắt là bé cũng ngưng ngay việc ăn.

Điểm chung của việc ” ăn rong ” là các bé không được ăn một cách chủ động. Tức là chẳng hề biết trong miệng mình đang nhai cái gì, ăn cái gì, kèm theo là hiện tượng ăn ngậm, ngậm chán rồi phun. Vẫn có trường hợp các bé ăn rất giỏi nếu được ” ăn rong” nhưng BaMe thì có thể hí hửng vì cân nặng của con tăng nhưng tác phong ăn uống, thái độ tích cực với việc ăn uống vẫn tròn trỉnh con số 0. Để giải quyết vấn đề “ăn rong” không phải chỉ 1,2 ngày mà là cả một quá trình nên tập luyện tốt nhất từ những muỗng ăn đầu đời.

Các bé tuổi tập ăn là tuổi đang tập bò , tập đi, leo trèo, ngứa nướu do mọc răng, nóng sốt do hệ miễn dịch bắt đầu phải làm việc nhiều hơn vì các bé tiếp xúc với môi trường xung quanh nhiều hơn, nên so với cái thời chỉ tu bình sữa rồi lăn ra ngủ, nằm suốt trên giường thì bé tuổi sau thôi nôi bắt đầu mất đi các ngấn ở tay chân, xương tứ chi bắt đầu phát triển và dài ra. Đây là điều rất bình thường trong độ tuổi phát triển này, bé cũng ngừng tăng cân nhanh như giai đoạn đầu đời. Tuy vậy nhiều bậc phụ huynh thì tá hoả, ôm con đi khám bác sĩ, ép con ăn, lao nhao đi mua sữa thương hiệu nước ngoài bạc triệu vì cho rằng con mình suy dinh dưỡng. Chồng thì trách vợ, con thì trách ông bà , ba mẹ thì trách ôsin nuôi con không khéo. Gia đình lục đục chỉ vì chuyện ăn của con.

Nguyên nhân, Sai lầm khiến bé biếng ăn dẫn đến tình trạng được ” ăn rong”

  • Các bé được tập ăn thô, tập nhai quá trễ mà suốt ngày toàn ăn cháo dẫn đến tình trạng quên phản xạ nhai mà chỉ nuốt. Nuốt mà không nhai thì dịch vị trong miệng bé không được tiết ra và bé không hề cảm thấy hương vị món ăn. 1 tháng thì đươc, nhưng ăn cháo liền tù tì 3 tháng, 6 tháng, cả năm thì dần dần bé ngán và chán thì ngậm , khi bị mẹ quát kêu nuốt thì bé sẽ phun.
  • Áp lực về cân nặng của con để mũm mĩm như con nhà người ta của các bậc phụ huynh là khá cao, khiến bé bị ép ăn, thúc ăn . Sau một thời gian bé không còn thấy thích thú việc ăn uống nữa.
  • Các bé không được tự tập ăn sớm. Thông thường các bé có khả năng cầm nắm thì cũng có khả năng và phản xạ bốc cho vào miệng ăn. Có thể các bé bắt đầu bằng việc đưa đồ chơi vào miệng ngậm, cạp. Phản xạ của phụ huynh đa số sẽ là gạt phăng các thứ đồ bé đang cầm trên tay , cho là dơ, là í ẹ… Từ đó các bé sợ cầm nắm, mất dần khả năng đưa thứ gì vào miệng mà chỉ há miệng chờ được đút.
  • Mẹ không có lịch trình chế độ ăn uống , nghỉ ngơi đúng giờ cho bé. Khiến bé lúc đói , lúc no thất thường
  • Bé bị ép uống sữa quá mức cần thiết, khiến bị lưng bụng , không có cảm giác đói.
  • Bé được ăn quà bánh trước bữa ăn. Các bạn tin không? Chỉ cần 1,2 viên kẹo trước bữa ăn có thể khiến bé bỏ bữa cơm. Nguyên nhân , khi ăn kẹo, dù rất ít nhưng lượng đường trong máu được tăng thì bé mất cảm giác đói, não thì nghĩ là mình đã no nhưng thực tế bao tử thì trống trơn và đang kêu réo mà bé không nhận biết được.

Giải pháp loại bỏ việc ăn rong là cần xây dựng lại niềm vui và yêu thích của bé trong việc ăn uống. Không phải chỉ 1,2 ngày mà là cả một quá trình nên tập luyện tốt nhất từ những muỗng ăn đầu đời. Tuỳ theo từng độ tuổi nhưng rất cần thiết áp dụng ngay càng sớm càng tốt.

Đối với bé dưới 1 tuổi:

  • Đừng bỏ lỡ thời điểm vàng để tập cho bé cầm nắm, ( tức độ tuổi từ 4,5 tháng). “Gặm nhấm” là phản xạ tự nhiên để bé tìm hiểu môi trường xung quanh. Nên chọn đồ chơi an toàn, tẩy rửa vệ sinh thường xuyên . Trên thị trường có bán các loại đồ chơi để bé tập cầm nắm, hoặc cho vào miệng . Các Mẹ không nên quát mắng bé.
  • Từ 7,8 tháng các bé có thể tự ăn bóc . Tập cho bé bóc các thứ nhỏ như miếng bánh mì, rau củ luộc mềm, trái cây mềm xắt nhỏ như chuối, xoài, Kiwi, thanh long…
  • Từ 8 tháng nên có một bữa trong ngày cho bé tha hồ bóc , bóp , cầm nắm thức ăn. Nhiều Mẹ ngại khâu dọn dẹp hơi bị phê, và muốn đút con ăn cho nhanh gọn lẹ nên vô tình lấy đi mất niềm vui của con trong ăn uống. Con chỉ trở thành con rối hả miệng đóng miệng. Mẹ thì xuýt xoa ôi con ăn giỏi quá , vèo 10 phút đã xong chén cháo nhưng cũng đừng ngạc nhiên khi đến một độ tuổi lớn hơn các bé bắt đầu chán chường, đả đảo bằng việc chọi ném đồ ăn lung tung và phun phèo phèo.
  • Từ 10 tháng tuổi , các Mẹ khi đút cháo cho bé nên cho bé một cái muỗng riêng . Có thể để bé cầm muỗng, mẹ phụ múc, đưa lên miệng . Có thể để bé tự cầm muỗng ngoáy, mẹ dùng muỗng riêng để đút phụ thêm. Ăn cách này bé có ” việc làm” thì sẽ không thấy chán, mà rất thích thú.
  • Từ những muỗng ăn đầu đời , các mẹ nên tập cho trẻ nhận biết những dấu hiệu để biết đã đến giờ ăn. Lau tay, rửa tay cho bé, hát một bài hát ngắn trước bữa ăn, đeo yếm, vào ghế ngồi. Xin không có bất cứ ngoại lệ nào , các mẹ không bao giờ ẵm bé ngồi lên đùi để cho ăn, hoặc cho phép ra khỏi ghế. Chỉ cần 1 lần thôi, các bé biết và sẽ đòi suốt.
  • Nếp sinh hoạt gia đình hiện đại hiện nay tuy khá khó nhưng 1 lần/ ngày nên có bữa cơm gia đình. Bé sẽ vui trong ăn uống hơn khi được vừa ăn vừa ngắm bố mẹ anh chị cùng ăn, bé sẽ có thái độ bắt chước tích cực . Nhiều quan niệm của nguời Việt mình ” con nít nên ăn trước ” là không nên. Hãy để bé tham gia chung bữa cơm gia đình. Các món ăn của người lớn thường nhiều màu săc hương vị mùi vị, khiến bé tò mò thích thú hơn là suốt ngày chỉ được ngửi mỗi mùi tô cháo.

Đối với bé từ 1-2 tuổi:

  • Bé 1 tuổi tuy chỉ 3,4 cái răng nhưng có thể nhai rất giỏi rồi nhé. Các mẹ mà đợi con mọc đủ răng mới tập ăn thô và nhai thì đã trễ, vì bé đã quen với việc chỉ nuốt mà không cần nhai. Dẫn đến tình trạng phun khi thấy có gì lợn cợn trong miệng.
  • Rau củ, thịt viên, cơm viên nên chuẩn bị vừa miệng ăn cho bé, cho bé tập cầm nĩa để xiên và tự đút vào miệng ăn
  • từ 1 tuổi các bé có thể được tập uống nước bằng ống hút . Hai Nhóc nhà P uống ống hút ro ro từ lúc 11 tháng. Uống ống hút , tập bỏ bình núm vú sớm giúp bé phát triển răng hàm miệng tốt hơn. Có lợi cho việc tập nói, phát âm rõ về sau.
  • Hãy cho bé cùng đi chợ, được ngắm hoa quả, rau củ trái cây . Bé tuổi tập ăn nhưng không hề biết củ cà rốt nhìn ra làm sao, Brokkoli, Sà lách, … Bé cũng đang tuổi tập nói nên bé sẽ tiếp thu rất nhanh khi được chuyện trò với me và được học tên các loại rau củ , trái cây.
  • Hãy cho bé quan sát Mẹ nấu cơm, cắt rau củ, rửa trái cây. Khi bé nhìn thấy sẽ tò mò về những gì mẹ dọn lên bàn cho mình ăn. Nhiều gia đình nghiêm cấm tuyệt đối việc bé vào bếp. P thấy việc đó không hay. Khi bé tò mò, các mẹ có thể cho bé ngồi vào ghế, cài dây an toàn cho bé ngồi kế bên mẹ đang làm bếp. Mẹ vừa làm bếp vừa trò chuyện, ca hát với con. Khi chán thì cho con xuống đất, cho phép mang nồi niêu ra gõ. Nhưng đồng thời cũng dạy con dọn dẹp trở vô tủ sau khi chơi.
  • 2 tiếng trước bữa cơm không ăn bất cứ thứ gì dù là một viên kẹo, thỏi sô cô la, miếng bánh nhỏ. Như P đã nói ở trên, việc ăn văt không làm bé thật sự no, nhưng cảm giác lưng bụng và nồng độ đượng trong máu tăng khiến bé có tình trạng no “giả” và sẽ không tha thiết khi đến giờ cơm.
  • Nếu làm tốt những điều P nêu ở giai đoạn dưới 1 tuổi thì thật ra tới giai đoạn này , việc bé phải vào ghế ngồi khi đến giờ ăn là việc hiển nhiên. Có những lúc con rời bàn ăn sớm, P cũng dí theo ép 1,2 muỗng vì muốn nhắc nhở con không ăn bỏ mứa.

Đối với bé trên 2 tuổi:

  • Bé tuổi này hiểu biết đã khá nhiều, thường biết rõ minh muốn gì thích gì. Bé biết rõ với ai trong gia đình lá người dễ được cưng chiều khi nịnh nọt. Cần thống nhất với người trong gia đình, không chạy theo phụ đút cơm khi bé õng ẹo mè nheo. Bé cần biết, phải ăn khi đến giờ ăn. Sau giờ ăn nếu than đói sẽ không được ăn .

Bậc cha mẹ nên tập bỏ bớt áp lực cân nặng ở trẻ nhỏ. Cha mẹ cũng xin đừng ép con phải ăn rau củ khi bản thân mình cũng không ăn. Mỗi người có những ưa thích, nếu bé thích cà rốt, mà không thích cà chua cũng xin đừng ép uổng bé. Nhưng vẫn dọn lên bàn để cả nhà cùng ăn và thường xuyên hỏi ý kiến bé có muốn thử hay không. Hoặc có bé chỉ ăn rau củ khi có nước sốt gì đó để chấm vô. ( trường hợp bé Mina nhà mình). Biết bé không thích cà chua thì tuyệt nhiên dẹp hẳn phần cà chua trong phần ăn của bé thì cũng không nên. Sở thích của bé thay đổi theo thời gian, Có lúc lại chẳng nhìn tới, có lúc lại thích và ăn ngấu nghiến.

Tập ăn không đơn thuần là tập làm quen thức ăn, tập nhai, tập nuốt mà là tập tác phong ăn uống tốt. Ăn tự giác. Ăn trong niềm vui thích. Chứ không phải ăn thụ động, ăn đối phó, ăn để nhồi nhét sao cho tăng cân. Nếu bé ăn tự giác , nhưng hơi gầy hơn so với các bé khác thì các bậc cha mẹ cũng nên yên tâm. Tác phong ăn uống tốt thì bé se khoẻ mạnh , ăn cân đều đều , mà mẹ thì khoẻ. Còn hơn con mang tiếng bụ bẫm , mà mỗi bữa cơm phải hò hét đút ép. Mẹ khổ , con mệt. Mẹ mà buông là con xì như bong bóng lép. Vậy càng tệ hại hơn. Càng lớn bé có những nhu cầu khác cần quan tâm chăm sóc hơn là việc cứ chăm chăm vào chuyện lo cho con ăn uống. Nên bắt đầu từ sớm, tuy có cực thiệt , nhưng nhàn sớm còn hơn muốn nhàn sớm để rồi cực lâu dài đến con 6,7 tuổi vẫn phải đút ăn thì… Đừng biện hộ cho là mình ráng chịu khổ vì con nhé.

Mong vài chia sẻ của P có thể giúp các Mẹ phần nào trong vấn đề ăn uống của con .

Thân mến.